Banca Generali, một ngân hàng Ý được định giá là 87 tỷ đô la, chính thức thông báo sẽ tích hợp các dịch vụ giao dịch Bitcoin vào nền tảng của mình trong đầu năm nay thông qua quan hệ đối tác với công ty Bitcoin Conio.
Hơn 300.000 khách hàng của Banca Generali sẽ có thể tạo ví Bitcoin trực tiếp trong tài khoản ngân hàng. Tính năng này được phát triển bởi Conio, một fintech được thành lập tại San Francisco bởi hai công dân người Ý, trong đó Banca Generali là nhà đầu tư chính. Hai công ty bắt đầu hợp tác vào tháng 12 năm 2020 và sẽ sớm ra mắt chức năng mới.
Nền tảng của Conio cũng sẽ được tích hợp với ứng dụng ngân hàng của Banca Generali, cho phép người dùng mua và bán Bitcoin dễ dàng và tiện lợi.
Dịch vụ B2B của Conio cũng đã được nhiều tổ chức tài chính khác áp dụng. Trước đó Ngân hàng Hype Challenger cũng đã thiết lập thỏa thuận với Conio để cho phép khách hàng tiến hành giao dịch Bitcoin trên nền tảng, đồng thời tích hợp tính năng chuyển BTC sang ví bên ngoài cũng như truy cập và khôi phục dữ liệu.
Trên toàn cầu, nhiều ngân hàng lớn ở các nước cũng đã triển khai kế hoạch cung cấp giao dịch tiền điện tử cho khách hàng. Gần đây, Monobank thông báo sẽ tích hợp các tính năng mới cho phép khách hàng mua và bán BTC từ ứng dụng ngân hàng của mình.
Ngân hàng điện tử đã hoàn thành việc tích hợp tính năng giao dịch BTC và đang chờ Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) phê duyệt. Giám đốc điều hành của nền tảng cho biết tính năng mới cho phép người dùng mua và bán Bitcoin một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Nếu NBU bật đèn xanh cho Monobank, Ukraine có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các giao dịch Bitcoin. Với số lượng người dùng là hơn 2,5 triệu người vào tháng 8 năm 2020, ngân hàng điện tử đầu tiên của Ukraine sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác.
Ukraine đã phê duyệt nhiều dự luật liên quan đến thị trường tài sản kỹ thuật số trong thời gian gần đây. Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số đã thông báo rằng dự thảo về tài sản ảo đã được cập nhật và đang được thông qua. Hơn nữa, vào cùng ngày, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật mới nhằm điều chỉnh các phương thức thanh toán, bao gồm các phương thức thanh toán liên quan đến tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Trong tháng 11, ngân hàng lớn nhất của Úc cũng đã tích hợp dịch vụ Bitcoin vào trong các giao dịch. Ngân hàng Commonwealth hiện có 6,5 triệu khách hàng, chiếm hơn 25% tổng dân số của Úc, đã cho phép người dùng gửi và rút BTC thông qua ứng dụng ngân hàng. Theo đó, Commonwealth là ngân hàng đầu tiên ở Úc cung cấp cho khách hàng quyền truy cập trực tiếp vào Bitcoin.
Không để tụt hậu phía sau, ngân hàng lớn nhất Colombia, Bancolombia cũng sẽ sớm cung cấp giao dịch Bitcoin cho khách hàng thông qua mối quan hệ đối tác với Gemini.
Cynthia del Pozo García, giám đốc chiến lược và phát triển của Gemini, cho biết mối quan hệ hợp tác này đóng vai trò là bước đệm quan trọng để Gemini mở rộng hoạt động sang khu vực châu Mỹ Latinh.
Chính phủ Colombia cũng đã khởi động một chương trình thí điểm tiền điện tử kéo dài một năm do cơ quan quản lý tài chính của đất nước, Superintendencia Financiera de Colombia (SFC) điều hành để giúp người dân có cơ hội tiếp xúc với tài sản kỹ thuật số.
Vào tháng 1, SFC thông báo đã chọn 9 sàn giao dịch tiền điện tử trong số 14 nền tảng đăng ký để tham gia thí điểm. Ngoài Gemini, Binance và công ty Bitso của Mexico cũng đã được lựa chọn trong đợt thí điểm lần này. Binance sẽ hợp tác với ngân hàng lớn thứ ba ở Colombia, Davivienda, trong khi đó Bitso sẽ làm việc với Banco de Bogotá.
Bancolombia là ngân hàng thuộc Tập đoàn Bancolombia, hiện cũng đang sở hữu Banistmo, ngân hàng lớn nhất ở Panama và Trung Mỹ. Tập đoàn hiện có 17,8 triệu khách hàng tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, theo nguồn tin mới nhất.